Sáng ngày 24/6/2020, tại Bộ Y tế, dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết. GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của Sở Y tế 5 tỉnh Tây Nguyên và điểm cầu ADB đặt tại Philippines
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Hầu hết các chỉ số xã hội và sức khoẻ của Việt Nam đều tương đương với những nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam.
GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị đánh giá cao kết quả thực hiện dự án gửi lời cảm ơn trân trọng đến nhà tài trợ ADB đã luôn đồng hành, hỗ trợ ngành Y tế
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như: Chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương; Tình trạng quá tải bệnh viện; Việc củng cố hệ thống y tế để đáp ứng một cách có hiệu quả với những thay đổi về tình trạng xã hội, dân số và bệnh tật.
Để góp phần giải quyết thực trạng trên, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ là ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống y tế cả nước, đặc biệt là ở các vùng kinh tế khó khăn như các tỉnh Tây Nguyên, Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á đã ra đời với mong muốn góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng thiệt thòi khác
Báo cáo tổng kết dự án do TS.Hà Văn Thúy- Giám đốc dự án trình bày tại Hội nghị cho biết, bắt đầu triển khai từ ngày 23/6/2014, với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân các tỉnh Dự án, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, TS.Hà Văn Thúy và PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì Hội nghị
Thời gian kết thúc dự án là cuối năm 2019, tuy nhiên để đảm bảo dự án có đủ thời gian để triển khai thực hiện các hoạt động như xây dựng cơ bản, mua sắm, đào tạo… nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Chủ tịch nước đã ký ban hành Quyết định số 2361/QĐ-CTN gia hạn dự án thêm 06 tháng đến 30/6/2020
Dự án gồm 3 hợp phần: Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã; Cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện; tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến…
Với tổng số vốn 76,6 triệu USD, trải qua hơn 6 năm thực hiện, tất cả các hoạt động của Dự án tất cả các hoạt động như: mua sắm xe cứu thương, trang thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, tuyển chọn tư vấn, xây dựng cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông… đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở các tuyến.
Cùng với đó, dự án hỗ trợ đào tạo cả dài hạn (chuyên khoa I và chuyên khoa II, bác sĩ liên thông) và ngắn hạn về chuyên môn, năng lực quản lý cho cả tuyến huyện, tuyến xã.
Ngoài ra, dự án còn trển khai các hoạt động truyền thông và phát triển cộng đồng của dự án nhằm tăng cường hoạt động tại cộng đồng, thay đổi hành vi của cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa về phòng chống bệnh, tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ y tế cũng như lợi ích của bảo hiểm y tế…
TS Hà Văn Thúy- Giám đốc dự án nhấn mạnh: Thành quả Dự án y tế tại Tây Nguyên không chỉ giúp phát triển y tế cơ sở, có bệnh viện huyện vượt bệnh viện tỉnh thu hút bệnh nhân, mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khoẻ, phát hiện sớm bệnh
Đến nay 21/23 chỉ số kết quả của Dự án đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, dự kiến giải ngân được hơn 51,1 triệu USD chiếm khoảng 80% số vốn được giao; 82/83 công trình đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó nhiều trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện huyện đã được xây dựng mới, nâng cấp…; 100% các gói thầu mua trang thiết bị được trao hợp đồng, trong đó Ban Quản lý dự án Trung ương trực tiếp mua và bàn giao 3.186 trang thiết bị thuộc 158 danh mục, bao gồm cả 24 xe ô tô cứu thương và 04 xe ô tô chuyên dụng; Hỗ trợ đào tạo cho 11.248 cán bộ y tế (đạt 95% kế hoạch).
“Thành quả Dự án y tế tại Tây Nguyên không chỉ giúp phát triển y tế cơ sở, có bệnh viện huyện vượt bệnh viện tỉnh thu hút bệnh nhân, mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khoẻ, phát hiện sớm bệnh. Người dân các tỉnh Tây Nguyên được thụ hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại địa phương”- TS.Hà Văn Thúy nhấn mạnh
Chuyên gia của ADB phát biểu tại điểm cầu ADB đặt tại Philippines
Đánh gía hiệu quả của dự án, chuyên gia của ADB cho hay, điều nhận thấy rõ nhất là tại những địa phương được thụ hưởng dự án đã có những thay đổi lớn về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ mặt y tế cơ sở được nâng lên rõ rệt, người dân được tuyên truyền- thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe và trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế cũng nâng lên...
Theo thứ trưởng Trần Văn Thuấn, góp phần không nhỏ vào thành tích này không thể không kể đến quyết tâm, sự nỗ lực, vượt qua bao khó khăn, trở ngại của cả hệ thống quản lý, thực hiện dự án từ Trung ương đến địa phương, từ Nhà Tài trợ ADB cho đến các Bộ/ngành, Ban Chỉ đạo các cấp, các Sở/ban ngành, các Ban quản lý dự án tỉnh cho đến các đơn vị thụ hưởng dự án.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn gửi lời cảm ơn trân trọng đến nhà tài trợ ADB đã luôn đồng hành, hỗ trợ ngành Y tế (cả về hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư cơ sở vật chất) để tăng cường năng lực cho hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương.
Trong thời gian tới, ADB tiếp tục hỗ trợ cho ngành Y tế dự án tăng cường y tế cơ sở 16 tỉnh với tổng kinh phí 86,8 triệu USD. Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Bộ Y tế và các tỉnh cùng quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn lực này./.